Thời gian gần đây, tỉ lệ người trẻ bị đột quỵ não tăng cao hơn không hề ít lần so với trước đó. Đột quỵ não là bệnh xảy ra rất nhanh chóng và thường để lại những biến chứng nặng nề cho nên chúng ta cần có biện pháp bảo vệ cơ thể khỏe mạnh để tránh mắc phải căn bệnh này.
Bệnh nhân nam 36 tuổi, nhập viện ở Quảng Ninh trong tình trạng méo miệng, mất ngôn ngữ, liệt trong khi tiền sử sức khỏe hoàn toàn bình thường.
Bệnh nhân cấp cứu tại Bệnh viện Việt Nam Thụy Điển – Uông Bí, ngày 21/8. Kết quả chụp MRI cho thấy anh bị đột quỵ nhồi máu não, tiên lượng nặng. Trước đó, bệnh nhân khỏe mạnh, không có bất thường. Các bác sĩ áp dụng phương pháp điều trị, can thiệp tích cực.
Sau hai tuần, bệnh nhân nói tốt, có vận động, song anh cần thêm thời gian để hồi phục hoàn toàn do di chứng sau đột quỵ.
Trường hợp tai biến trẻ tuổi như bệnh nhân trên không hiếm gặp. Trong một tháng, bệnh viện này tiếp nhận 4 bệnh nhân đột quỵ não ở độ tuổi trẻ (từ 36 đến 44). Hầu hết đều nhập viện muộn, bỏ qua “thời gian vàng” điều trị, để lại nhiều di chứng.
Tương tự, hồi tháng 2, một bệnh nhân nam 31 tuổi ở Hà Nội, tiền sử khỏe mạnh, không phát hiện bệnh nền, nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, liệt nửa người phải, cấp cứu tại Bệnh viện 103. Bác sĩ chẩn đoán người bệnh đột quỵ chảy máu não do tăng huyết áp. Trường hợp khác, nam 30 tuổi, đột ngột tê bì tay trái, yếu tay chân lúc đang làm việc, cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai. Kết quả chụp cộng hưởng từ phát hiện đột quỵ nhồi máu não bán cầu phải.
Đột quỵ não là một bệnh lý xảy ra đột ngột, diễn tiến nhanh, biến chứng nặng nề. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 15 triệu người mắc đột quỵ. Trong số đó, khoảng 5 triệu người tử vong và 5 triệu người thương tật vĩnh viễn do đột quỵ, làm gia tăng gánh nặng kinh tế cho gia đình và cộng đồng.
Tại VN, Bộ Y tế cho biết mỗi năm ghi nhận thêm 200.000 ca đột quỵ, khoảng 50% trường hợp tử vong, nhiều người sống sót sau tai biến phải sống chung với các di chứng về thần kinh, vận động…
Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, chủ yếu là người từ 55 tuổi trở lên. Tuy nhiên, tỷ lệ đột quỵ ở giới trẻ đang có xu thế tăng lên, trung bình khoảng 2% mỗi năm, số lượng nam giới cao gấp bốn lần nữ giới. Trong đó, nhiều người bệnh không biết mình mang yếu tố nguy cơ, đến khi bị đột quỵ, đo huyết áp, thử đường huyết mới phát hiện.
Dấu hiệu nhận biết sớm đột quỵ với ba triệu chứng chính: Liệt nửa người (biểu hiện giơ hai tay bằng vai, một tay sẽ bị rơi xuống); liệt dây thần kinh số VII (méo miệng khi làm động tác nhe răng hoặc cười); rối loạn ngôn ngữ (hiểu được lời nói mà không diễn đạt được hoặc không hiểu lời người khác).
Một số biểu hiện khác như cảm giác tê bì nửa người (là tê một tay và một chân cùng bên cơ thể), mất thăng bằng (khó khăn khi đi lại), mất kết hợp vận động (vụng về khi cầm nắm đồ vật), mất trí trí nhớ đột ngột (quên tên người thân), không phân biệt được những điều đang xảy ra xung quanh… Khi ấy, người bệnh cần được đưa đến cơ sở y tế ngay càng sớm càng tốt để điều trị.
Để phòng tránh đột quỵ, PGS TS Phạm Đình Đài, Chủ nhiệm Khoa Đột quỵ, Bệnh viện 103, cho biết người có bệnh lý huyết áp cần kiểm soát tốt huyết áp, theo dõi các chỉ số thường xuyên, uống thuốc theo chỉ định. Không ăn thừa quá nhiều calo, hạn chế mỡ động vật, bỏ thuốc, ăn nhiều rau củ. Tạo thói quen ăn sáng, ăn trưa vừa phải và ăn tối ít, ưu tiên ăn đồ luộc, hấp… Không dùng các chất kích thích như thuốc lá rượu bia; dinh dưỡng hợp lý.
Người trẻ nên khám sức khỏe định kỳ tầm soát sớm các yếu tố nguy cơ để điều trị kịp thời. Tạo thói quen sinh hoạt lành mạnh như tích cực tập thể dục thể thao, hạn chế sử dụng thức ăn nhanh, các thực phẩm chế biến sẵn, bỏ thuốc lá, hạn chế bia rượu. Nghỉ ngơi hợp lý, tránh stress, mất ngủ kéo dài.
Nếu trong gia đình có người từng có bất thường về mạch máu, tăng đông máu nên được hỗ trợ tư vấn bởi bác sĩ chuyên khoa để sàng lọc loại trừ yếu tố nguy cơ.
Khi xuất hiện ít nhất 1 trong ba triệu chứng liệt mặt, liệt chi, nói khó cần nghĩ ngay đến đột quỵ và đưa người bệnh đến cơ sở y tế cấp cứu trong thời gian ngắn nhất.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét